Monday, April 28, 2014

Café thời thương khó

20140428-094445.jpg


Những quán café nho nhỏ, đủ kiểu và đủ ngóc ngách đang xuất hiện ngày một nhiều ở Saigon. Đi đâu cũng thấy café xay, đi đâu cũng thấy giá bán trương to gần bằng cả bảng hiệu: 12.000 đến 15.000 đ cho một ly. Có đủ các giải thích cho trào lưu này. Các nhà buôn bán thì nói đó là chiêu kinh doanh bình dân mới. Các nhà kinh tế học thì nói đó là cuộc cách mạnh café. Giới quản lý hành chính thì gọi đó là đợt tái lấn chiếm vỉa hè…v.v nhưng với những kẻ ngớ ngẩn như tôi, và những bạn bè chung quanh tôi, thì vẫn hay gọi đó là hình thái của café thời thương khó.

Café thời thương khó đó, nói cho vui, thật ra thì cũng chỉ là café vỉa hè, hay tiếng gọi miền Nam hay gọi là café cóc, vẫn là thứ thích nghi với sự tùy nghi và rong ruỗi của những kẻ không nề hà thế gian và thực tế. Café cóc chỉ là nơi để ghé qua, nghe chút thời sự, nhắn lời với bạn bè và chia sẻ một đời sống của cộng đồng mình đang có. Và quan trọng là không lấy đi nhiều thu nhập của bạn trong lúc tiền nong eo hẹp.

Saigon sau năm 1975, chiến tranh làm lưu lạc tất cả. Mọi thứ bồn chồn và mơ hồ. giới nghệ sĩ, văn chương… mở café cóc đâu để kiếm sống qua ngày, mà muốn làm chỗ dừng chân tìm nhau. Trãi qua một thời thương khó, họ hẹn nhau ở chiếc ghế nhỏ, ly café làm cớ… để gặp, để nói, để hát hoặc chỉ im lặng nhìn. Café thời thương khó đó, đôi khi chỉ là hẹn, và nhìn thấy nhau.

Café cóc dạt đi, lùi lại, khi kinh tế đổi thay, khi con người thích ăn ngon mặc đẹp và khấm khá hơn. Những không gian café khác bừng lên. Café cóc lại quay về với góc khuất đầy ý nghĩa ẩn giấu của nó: một ít tiền để đổi được nhiều cảm giác đô thị. Dễ nhìn thấy ai là người cần đến café cóc. Chú chạy xe ôm chờ khách rỉ rả café đen. Cô bán bán thuốc lá gọi làm ly đen đá cho tỉnh người, cho qua buổi trưa ngầy ngật. Hàng trăm quán café khác đã mọc lên, nhưng café cóc vẫn là một câu chuyện khác của đô thị. Loại café thương những thị dân ít tiền, loại café tặng không gian cho người thưởng thức bằng tâm cảm chứ không hoàn toàn bằng hương vị.

Thế rồi khi kinh tế khó khăn, café cóc lại bùng lên. Giờ này, café cóc đổi thành nhiều hình dạng, nhưng nguyên thủy vẫn là café cóc. Nhìn café cóc nhiều hơn, cũng là dấu hiệu cho biết khó khăn đã xuất hiện rộng hơn. Mọi thứ chi tiêu đơn giản trước đây, giờ lại bất ngờ quá tầm, rốt cuộc nhìn quanh, để thoát sự đơn điệu thường ngày, có lẽ lại chỉ là café cóc.

Người thất nghiệp nhiều thì cũng café giải trí qua ngày. Người có việc muốn dành dụm cũng café cóc. Trong ánh mắt của những người không dám lạm bàn về kinh tế, chỉ thấy khi đời sống khó khăn, café cóc xuất hiện nhiều như một biểu hiện của dịch vụ thời thương khó.

Chúng ta đã trãi qua bao nhiêu mùa sống với café thời thương khó nhỉ? Những người bạn của tôi mìm cười. Thật khó mà nhớ hết. Chỉ biết khi nhìn quanh, đời sống chùng xuống, ánh mắt người mỏi mệt. Con người bàng hoàng hơn và đầy nhu cầu ngồi lại với nhau giản đơn hơn, café thời thương khó bỗng xuất hiện quanh ta.

Saturday, April 19, 2014

Hiến tế

Image

Nhiều năm qua, xã hội VN đã xảy ra rất nhiều biến động, đặc biệt là những biến động về cách ứng xử với con trẻ. Báo chí chỉ có thể tải lên một phần nhỏ nhoi những gì đang xảy đến với thế hệ trẻ mỗi ngày, và đem lại không ít suy nghĩ cho bất cứ vẫn ý thức mình là người Việt, với một tương lai Việt.

Chuyện về bé gái lỡ tay ăn trộm quyển sách, và bị nhục hình công cộng được xôn xao bàn tán không ít.  Những phản ứng mạnh mẽ từ báo chí lẫn giới phụ huynh đã khiến Sở giáo dục của tỉnh ra quyết định toàn thể nhân viên của nhà sách phải ra xin lỗi bé gái này trước sân trường.

Nghe qua thì công lý có vẻ được như lập lại. Nhưng đọng lại trong cảm giác, vẫn là một điều gì đó bất an.

So với những chuyện đã từng xảy ra với trẻ em trên đất nước này, câu chuyện được xin lỗi có vẻ như là một "happy end" đáng để tán thưởng.

Em S., nạn nhân của vụ nhục hình, là một số phận may mắn hơn bé Ngọc Trâm (Đồng Tháp) bị đưa ra công an tra khảo đến tâm thần vì làm mất 47.800 đồng của lớp, hoặc như em Triệu Khang (Bảo Lộc) chọn cách tự tử để minh oan cho mình khi bị kết tội ăn cắp. Có thể dễ dàng nhận ra rằng, không phải vì một giá trị quá lớn mà trẻ con bị hành hạ, bị chà đạp, mà những hành động của người lớn đang mang dấu hiệu việc quay lại hình thái của một xã hội hiến tế.

Với nhiều hình thức tôn giáo của thời trung cổ. Hiến tế (sacrifice) được coi là một sự kiện xã hội hoặc tôn giáo trong một đời sống phồn thực. Hiến tế được coi là cách để chuộc tội hoặc làm dịu đi cơn giận dữ của các thần linh. Thế nhưng hiến tế của thế kỷ này, chỉ làm có ý nghĩa làm dịu đi sự giận dữ hay sỉ diện của con người – vốn đã quá kiêu ngạo và cường quyền với chính đồng loại của mình.

Những cuộc trừng phạt, tra khảo, làm nhục… với trẻ em đã không mang lại một giá trị giáo dục nào khác, mà chỉ cấy trong tiềm thức của từng thế hệ rằng mai sau, để xoa dịu bản thân mình, chỉ có cách tốt nhất là hiến tế một ai đó. Và cứ thế, vòng quay của sự man rợ đã trở lại, ngay trong thế giới này, bằng mọi sự diễn đạt khác nhau như cùng một tính chất dã man.


Thế giới đã trãi qua hằng hằng những đổi thay. Loài người đã chuyển đổi muôn vạn lớp áo trong giao tiếp, nhưng không khó để nhận ra bản chất của sự việc, khi xảy đến.

Trở lại câu chuyện của Sở giáo dục tỉnh Gia Lai buộc toàn thể nhân viên của một nhà sách phải ra trước sân trường để xin lỗi bé S., có thể coi đó là một trường hợp hiến tế khác, cho một ý nghĩa khác chứ không hoàn toàn vì công lý.

Về quyền hạn, Sở Giáo Dục tỉnh Gia Lai không có bất kỳ một quyền hạn nào được bắt hàng loạt người phải làm một hành động tự sỉ nhục mình trước đám đông như vậy. Hơn nữa, khi cố gầy dựng một ánh hào quang của vị thần công lý, Sở Giáo Dục tỉnh Gia Lai lại làm đảo lộn mọi giá trị thông thường là “người không ăn cắp phải đi xin lỗi một người ăn cắp”, là trong đó, rất nhiều người trong nhà sách không liên can đến sự kiện này. Có thể coi việc người bảo vệ của nhà sách đã hành động như một cách “hiến tế” em S. trong sai lầm của em, thì những người ở một cơ quan giáo dục lại “hiến tế” tập thể cho một lý luận thiếu khoa học và giáo dục. Lẽ ra, chỉ cần một lá thư xin lỗi của siêu thị, công bố xin lỗi ở trường, ở siêu thị... cử người đến nhà em để hòa giải cũng như nhắc nhở em lấy cắp là một điều không đúng. Cách hành động đúng và thật lòng không quá khó để tìm thấy trong thế kỷ này, như mọi quốc gia văn minh khác vẫn có những ví dụ về ứng xử bình thường mà chúng ta được biết, được học, được dạy.

Vô hình trung, có thể rất nhiều bạn bè của em S. đã cho rằng lấy cắp vì đam mê, đôi khi vẫn được coi là một điều không sai, và có thể được “vinh danh” theo cách của Sở Giáo Dục tỉnh Gia Lai tổ chức như vậy.

Hàng ngàn năm trước, loài người hiến tế trong sự thơ ngây và nông cạn. Nhưng ở thời đại này, khi tái hiện, chúng ta phải tự vấn rằng vì sao vẫn có những cuộc hiến tế nhân danh thơ ngây và nông cạn như vậy, trên đất nước này, hôm nay?

 

Friday, April 18, 2014

Bộ trưởng Y tế nên từ chức

10156137_10152083970513181_2769373736105339376_n
Chỉ trong một buổi chiều 17-4 ở trong nước, ngoài những tiếng kêu la của trẻ con, tiếng khóc nấc của nhiều phụ huynh mất con, cùng sự im lặng của các bệnh viện cũng như của những tuyên bố thản nhiên của người cầm đầu ngành kiểm soát sự sống còn của con người, là những cơn bão dậy lên trên các trang mạng đòi hỏi Bộ Y tế Việt Nam phải có một thái độ đúng trước đại dịch.

Từ tức giận, đòi hỏi, giờ thì đã rất nhiều người nghĩ bằng sự tỉnh táo và hoàn toàn mang giá trị cấp bách của một xã hội dân sự đòi hỏi: người không có đủ khả năng kiểm soát tình thế, có cần phải ra đi ngay để tìm một ai đó thế chỗ, giải quyết vấn đề?

Đây không phải là sĩ diện của một con người, của một chế độ khi sắp đặt nhân sự, mà tiếng kêu của đám đông đòi hỏi được thấy nhịp đập của một trái tim có thật từ một hệ thống lãnh đạo.

Từ chức giờ đây là một thái độ văn hóa và cũng là cho thấy một phản ứng đầy nhân đạo, trao lại quyền quyết định cho một ai khác để có những giải pháp tức thì, cứu lấy sinh mạng của hàng ngàn gia đình đang đang thấp thỏm về sinh mạng của con mình.

Con số 108 trẻ em chết trong đợt dịch sởi này được công bố, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vì diễn biến mỗi ngày vẫn diễn ra, và Bộ Y tế Việt Nam vẫn chưa có một công bố nào mang tính minh bạch rằng dịch sởi đã được kiểm soát, ít nhất ở một vài thành phố.

Đóng cửa thông tin
Trong một thói quen thích dùng quyền lực hơn giải pháp thực tế cho vấn đề, tin tức về đại dịch đã bị ngăn chận.

Cũng trong buổi chiều ngày 17-4, đại dịch sởi đang bùng lên cao điểm, thì các bệnh viện được lệnh phải đóng cửa thông tin, thậm chí phóng viên vào đưa tin, ghi hình là chuyện đặc cách, phải có giấy phép riêng.

Tin tức nói bệnh viện quá tải, thiếu trang thiết bị chữa trị và nhiều cháu nhỏ phải chung giường. Bản tin của báo Một Thế Giới cho biết ngay cả lao công, bảo vệ… của bệnh viện Nhi Trung Ương tại Hà Nội cũng được lệnh ngăn trở người tác nghiệp.

Trên các trang mạng, dấy lên không biết bao nhiêu thông tin về cái chết của con mình, của con bạn bè mình. Uất nghẹn, và đè nén, nhưng họ chỉ được trả lời bằng những phát biểu vô hồn của bà bộ trưởng như “chưa đủ điều kiện để công bố dịch sởi” hoặc “muốn công bố dịch phải xin ý kiến”. Những hình ảnh tràn ngập trẻ em nằm không đủ chỗ ở các bệnh viện Nhi vẫn không giúp được cho nét chân mày được trang điểm rất đẹp của bà bộ trưởng nhíu lại.

Trên một trang facebook, một người có bạn làm trong ngành y nói rằng sẽ khó mà có chuyện công bố dịch, vì nghe nói rằng y tế Việt Nam đã cam kết với W.H.O là sẽ thanh toán dịch sởi vào năm 2017 bằng văn bản, ngân sách tài trợ… nên việc công bố không kiểm soát được bệnh sởi sẽ làm mất mặt ngành y tế Việt Nam.

Tin tức này đang lan nhanh, cùng với việc Bộ Y tế vẫn im lặng về số lượng hàng ngàn trẻ em nhiễm bệnh, lại dường như là một điều xác tín im lặng.

Rõ ràng Bộ Y tế VN hoàn toàn xa dân đến mức không nghe được những lời kêu to như vậy chung quanh mình, cho dù những thông tin đó có thật hay không.

Không phải vô lý khi nhiều tờ báo đã phải kêu lên vào ngày 16-4 rằng “cần phải công bố dịch” hoặc “Bộ Y tế giấu dịch sởi”.

'Lãnh đạo vô cảm'
Hiện thực là giá trị lớn nhất, nó giới thiệu sự cấp bách mang giá trị nhân tâm con người, và cũng giới thiệu hiện thực về khả năng của bà bộ trưởng như một người đang cầm lái chiếc tàu Bộ Y tế đi qua sóng gió nhưng trong tiếng gió bão gầm rú, còn có tiếng kêu thét của các sinh linh vô tội bị cố ý nhấn chìm.

Mới đây, người dân Việt Nam nhìn thấy lời tuyên bố của bà Nguyễn Thị Kim Tiến là “Chúng tôi mà có con cháu mắc sởi, không bao giờ dại cho vào đây”.

Câu phát biểu này của bà Tiến đã làm bùng lên sự phẫn nộ trong các phụ huynh.

“Người ta sẽ đem vào đâu, nếu không là bệnh viện?” một phụ huynh đã viết lời bình như vậy. Câu nói của bà bộ trưởng làm mọi người sững sờ vì mang đầy sự vô trách nhiệm cũng như thiếu khả năng hành động của một quan chức.

Nếu dịch sởi không thể kiểm soát như bà Tiến mô tả, rõ ràng cần thiết phải lập trại cách ly khẩn cấp ở các thành phố lớn. Cần triệu tập các chuyên gia y tế để giải quyết vấn đề mà các bệnh viện thông thường đang không còn đủ sức.

Hàng ngàn trẻ nhiễm bệnh ở mọi nơi đủ là lý do để hành động nhanh, với y đức, với tình người.

Thật lòng, ngành y cũng đã tạo điều kiện để bà Tiến chứng minh tấm lòng của mình với các bệnh nhi, nhưng cũng đủ cẩu thả đến mức cho thấy bà Tiến không có khả năng đội mũ nón y tế cho đúng cách cơ bản khi đi thanh sát. Nhiều người đã bật cười về điều đó.

Ngành y tế bất lực?
Sự hỗn loạn bắt đầu xuất hiện. Trên các trang mạng xuất hiện nhiều lời quảng cáo chữa bệnh sởi gia truyền, thuốc trị sởi đặc biệt… theo nguyên tắc bình thông nhau, nhưng cũng là một lời tố cáo về sự bất lực của hệ thống y tế Việt Nam lúc này.

Chắc chắn không ít các bậc phụ huynh của 7000 đứa trẻ đang mắc bệnh, đang sốt ruột vì con mình, đã liên lạc với những chỗ như vậy. Sẽ là may mắn nếu đó là những lời quảng cáo tốt. Còn nếu đó lại là cách kiếm tiền nhanh của những kẻ cơ hội, mọi việc sẽ bùng nổ và trở thành một đại họa quốc gia.

Giấu diếm và giữ ghế, giữ mặt mũi cho giới lãnh đạo không phải là chuyện mới thấy trong ngành y tế Việt Nam.

Năm 2003 đã có chuyện giấu diếm dịch Sars. Năm 2008, lại cố ý nói trại đi dịch tả là “tiêu chảy cấp” để làm nhẹ đi tình hình. Những tiền lệ đó, nếu tiếp tục nối dài đến đại dịch sởi này, gọi đúng tên, là ô nhục.

Tôi không biết ai có suy nghĩ gần với mình, nhưng tôi chính thức mở lời kêu gọi bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên từ chức ngay.

Ở đây không phải là sự tức giận đòi hỏi bà phải bị trừng phạt vì những sai lầm vẫn có từ trước, hay đang đang diễn ra, mà lời kêu gọi bà nên từ chức để những người thật sự có khả năng bước vào vị trí này để cứu người.

Từ chức vào lúc này để nhận được sự trân trọng, và để đánh động toàn bộ ngành y dốc lực vào sự kiện đang quá cấp bách này.

Cũng không riêng gì bà Nguyễn Thị Kim Tiến mà nhiều quan chức khác cũng nên tập dần cách hành xử văn minh này, vì so với nhân dân, chính họ là người đang được thụ hưởng những giá trị văn minh nhiều nhất.

Wednesday, April 16, 2014

Xin thêm chút hương thơm cho Mạc Ngôn

20140416-083623.jpg

Khác với những giải Nobel Văn chương được trao trong sự tán thưởng nhiệt liệt cho Cao Hành Kiện hay Herta Muller, giải thưởng cho nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc vừa rồi đã dấy lên không ít bàn tán.

Thực tế, không ai phủ nhận tài năng văn chương của Mạc Ngôn, cũng như không thể phủ nhận giá trị cao quý Nobel Văn chương từ Thụy Điển. Nhưng đôi lúc, thước đo của tài năng và cuộc đời vẫn có những điều khập khiễng đáng bàn.

Sự khập khiễng đó, trước khi được người ngoài nói đến, thì ngay trong nước Trung Quốc, một làn sóng hụt hẫng trước tin mừng Nobel Văn Chương 2012 đã lan nhanh trong những người mơ một tương lai cho nhân dân và đất nước Trung Quốc tốt đẹp hơn. Nhanh chóng nhất, người ta nhận được lời bình luận của ngài Ngải Vị Vị rằng Mạc Ngôn là một nhà văn giỏi nhưng tiếc là luôn biết cách đứng về phía quyền lực, còn nhà tranh đấu Ngụy Kinh Sinh đang lưu vong thì bày tỏ sự thất vọng khi nghe Mạc Ngôn được nhận giải Nobel cao quý này.

Mạc Ngôn vẫn được đánh giá là một nhà văn giỏi và thân cận với chính quyền Cộng sản Trung Quốc, thậm chí ông còn được đánh giá là người hết sức khôn khéo trong việc sử dụng văn chương của mình làm hài lòng người cầm quyền, nhưng biết cách để không quá mếch lòng dân chúng.

Điều đã làm một số người ngạc nhiên, là vì sao một nhà văn như Mạc Ngôn, với nhân thân là sĩ quan trong Cục chính trị thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội, Phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, luôn ủng hộ chế độ kiểm duyệt của Trung Quốc, luôn phản ứng bài xích với nhà văn tự do lưu vong người Hoa… đã đột ngột cất vài tiếng ngắn ngủi về số phận của Lưu Hiểu Ba trong buổi trao giải Nobel.

Nhưng điều đó cũng đã không qua được mắt của nhiều người rằng, để nhận một giải thưởng danh giá và đầy ham muốn bảo vệ ánh hào quang của đời mình, Mạc Ngôn không ngại lấn một chút qua lằn ranh cấm kỵ để sử dụng tên tuổi sáng giá của nhà tranh đấu dân chủ Lưu Hiểu Ba như một thứ hương thơm vay mượn.

Sự tráo trở?

Lời nói hy vọng tự do cho Lưu Hiểu Ba từ Mạc Ngôn, không xóa được những gì đã diễn ra trong đời ông, dù chưa bao giờ phạm tội ác, nhưng ông luôn thỏa hiệp với cái ác của chế độ. Và còn một điều quan trọng hơn nữa, là liệu ông Lưu Hiểu Ba có cần hay không lời nói đánh vào khoảng không đó của Mạc Ngôn, mang đầy giá trị tâm lý hơn là sự thật.

Có lẽ, nhìn từ nơi đang bị chính quyền Trung Quốc cầm tù, ông Lưu Hiểu Ba đã bật cười.

Đó là sự tráo trở, cũng giống như sự tráo trở của chính quyền Trung Quốc vào năm 2000 khi nghe nhà văn Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel đã nguyền rủa không tiếc lời giải thưởng này, thậm chí âm mưu lập một giải thưởng văn học quốc tế khác để chống lại giải Nobel. Nhưng nay thì cũng chính họ đang ca ngợi Nobel Văn Chương như một điều không thề nào thay thế.

Nói về Mạc Ngôn và Nobel Văn Chương 2012, là để nói về Việt Nam.

Điều cần nhắc lại và nhấn mạnh, là không ai phủ nhận tài năng của Mạc Ngôn, nhưng trong quan điểm phục vụ chính quyền, Mạc Ngôn hoàn toàn vô giá trị với những tác phẩm có những ý thức xem cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là vệ quốc.

Không phải không có những ý kiến bảo vệ tác phẩm Ma chiến hữu, cho rằng đó chỉ là viết về con người. Nhưng cần phải nhìn rõ là dù viết về con người cao đẹp như thế nào, nhưng ngôn ngữ và ý thức nhìn nhận sai về con người và đất nước Việt Nam như sự hàm hồ của chính quyền Trung Quốc, là không thể chấp nhận, ngoại trừ bạn có một cảm nhận quá mơ hồ về ý nghĩ và vị trí của đất nước mình trên thế giới.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến rằng Mạc Ngôn “nợ Việt Nam một lời xin lỗi”. Thực tế, lịch sử vĩ đại và kiêu hãnh của dân tộc Việt không cần bất kỳ một lời xin lỗi từ một cá nhân hay một nhóm người nào, vì mọi thứ đã có sự thật và giá trị văn minh nhân loại minh định. Ý kiến chờ mong một lời xin lỗi của một nhà văn Trung Quốc từ ai đó, chỉ là sự bộc phát không rõ ràng từ việc bị ám ảnh giá trị thân hữu láng giềng được tuyên truyền, không thể đại diện cho lý trí và thái độ đúng của người Việt trước thời cuộc.

Nói về giải Nobel văn chương 2012, xin gửi một lời chúc mừng đến nhà văn Mạc Ngôn. Nhưng nói về cuộc đời, cũng như sự kiện Lưu Hiểu Ba hay Ma Chiến Hữu, Mạc Ngôn sẽ phải còn thêm nhiều hương thơm nữa để ướp lâu cho tên tuổi của mình.

Chút ký ức cho một ngày ngợi ca phụ nữ

Trong tất cả những câu chuyện về những người phụ nữ mà tôi nhớ được, có một câu chuyện luôn ám ảnh tôi trong nhiều năm tháng. Đó là một người phụ nữ vô danh, nghèo khó như bao nhiêu người nghèo khó trên đất nước này. Tôi chọn ngày 20-10 để ghi lại chút ký ức về bà, vì nếu lỡ quên đi, chắc là tôi sẽ hối tiếc nhiều.

20140416-082121.jpg

Bà là một người bán bánh mì, đứng khép nép ở lề đi bộ gần cửa trường Pétrus Ký cũ, nơi tôi vẫn đạp xe đi học ngang qua mỗi sáng. Thời sinh viên Đại học, tiền chưa bao giờ đủ cho 2 ổ bánh mì một ngày, xe bán bánh mì của bà là nơi ưa thích của tôi và nhiều sinh viên khác vì bà vẫn luôn có một thái độ ưu ái thầm lặng với bọn mài đũng quần trên giảng đường.

Thêm một chút nước thịt, một vài miếng dưa leo; Thậm chí liếc thấy ai đó gầy gò, bà vẫn cho thêm được 1,2 miếng thịt mong mỏng. Một thông điệp quý giá và thầm lặng, nhưng mãnh liệt hơn cả những hứa hẹn về học bổng hay tài trợ tương lai từ Bộ Giáo Dục, khiến giới sinh viên rỉ tai nhau và hay ghé vào mua bánh mì trong một niềm tin trong sáng.
Nơi đó quen thuộc đến mức nhiều khi buổi chiều, đi ngang, tôi vẫn nhìn xem có bà bán nơi đó không. Nhiều năm như vậy, bức tranh ngày thường đó, tôi đã mang theo suốt cuộc đời.

Rồi một ngày, khi đạp xe đến mua bánh mì, bà chỉ còn bán bằng chiếc thúng đặt trên yên sau của một chiếc xe đạp thồ. “Xe bán bánh đâu rồi bà?”, tôi hỏi.

“À, mấy ông dẹp lề đường bắt rồi”, bà nói, tay vẫn gói bánh. Đứa con gái phụ bà kể rằng mấy ông ở Phường đến tịch thu, và nói nếu xin đóng tiền phạt, thì có thể lãnh xe về. “Dì sao mà đủ tiền đóng con”, bà nói.
Xe thì không còn, nhưng ổ bánh mì của tôi vẫn y nguyên cái tình cảm của một người nghèo vẫn dành cho giới sinh viên. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi đạp xe đi, ăn không hết ổ bánh mì và nghĩ rất nhiều về sự bình an đã mất trong trái tim mình.

Không chỉ là một lần. Chỉ mấy tuần sau, tôi lại thấy bà chỉ còn bán bánh mì trong một cái thúng cặp nách. “Xe cũng bị lấy rồi, mấy ổng nói má em cứng đầu quá, phạt cho tởn”, đứa con gái của bà nói. Trời cho thế gian này có thứ bậc quan và dân. Quan vẫn làm chuyện của quan, dân vẫn làm chuyện dân. Và tôi cũng cầm ổ bánh mì đầy đặn như mọi khi, chạy đi, ước mong trẻ con đến phát khóc rằng phải chi mình trúng số để cho tiền bà đóng phạt.

Bánh mì của người nghèo nuôi tôi lớn. Bài học ở trường dạy tôi biết. Cuộc đời cho tôi chứng kiến để tôi hiểu, nhưng tôi vẫn suy nghĩ trẻ con.

Tôi vẫn trẻ con đến mức thời gian ngắn sau đó, tôi chạy vòng tới vòng lui để tìm người đàn bà bán bánh mì quen thuộc, thậm chỉ trễ cả giờ học đầu. Bà không còn ở đó nữa cho đến tận hôm nay. Có lẽ bà đã mưu sinh ở một nơi nào đó khác, như người ta vẫn đùa rằng năng lượng đời không tự nhiên mất đi, mà chỉ bị xô đuổi từ nơi này sang nơi khác mà thôi.

Nhiều năm sau, tôi vẫn còn bị ám ảnh về thứ ký ức nhỏ nhặt này. Cho đến một hôm, thời hiện tại, tôi chứng kiến chiếc xe Jeep dân phòng dừng ở một nơi quen thuộc. Những người đàn ông cũng có vợ, có con gái, có mẹ… đang tần tảo, nhưng hùng hổ xô, giật, đạp những thứ buôn bán nhỏ nhặt của nhiều người phụ nữ. trên tay họ là gậy, là dùi cui. Trên miệng họ là khẩu lệnh và nụ cười gằn. Tiếng la hét, tức giận, và có cả tiếng khóc thét của những người đàn bà giữa phố. Nhưng điều đó chẳng là gì trước những bộ đồng phục lạnh lùng sừng sững, tựa như vô tri.

Cũng là những người bán hàng rong, nhưng rất nhiều người, ở rất nhiều nơi sẽ được để yên khi đã nộp tiền. Thậm chí những bộ đồng phục đó chỉ quần thảo với danh sách những ai chưa đóng tiền chỗ, mà những người bán hàng cười mỉa : “ứng trước tiền phạt”.

Tôi nhớ đến người đàn bà bán bánh mì mà tôi không biết tên. Tôi hình dung những gì bà đã mất nhưng vẫn giữ lại hơi ấm khi trao từng chiếc bánh mì cho bọn sinh viên khố rách áo ôm chúng tôi.

Tôi tin vào mọi lý thuyết của sự phát triển, nhưng tôi cũng tin rằng người ta sẽ buộc phải ‘cứng đầu’ để có thể sinh tồn. Nhất là khi sống trong một quốc gia đang quá khốn khó để sinh tồn.

Ngày 20-10 hàng năm, tôi thường nhìn thấy những người đàn bà to đẹp, trang phục đắt tiền trên truyền hình. Thậm chí họ được gắn huân chương mà tôi không rõ vì lý do gì. Những giờ phút đó, tôi vẫn hay nhớ đến người đàn bà bán bánh mì mà tôi biết, cũng như hàng triệu người phụ nữ vô danh khác đang trở thành kẻ phạm luật trong một cái khung công lý quá chật chội với thực tế của một con người trên đất nước này. Tôi tôn trọng luật pháp vì tin vào tương lai, nhưng tôi vẫn luôn nhìn trừng vào nó để có thể nhận ra, ghi nhớ rằng điều gì phải cần phải thay đổi một khi đất nước này thật sự có những người biết lắng nghe và, thật sự yêu thương dân tộc này.

Thật đơn giản, vì tôi đã mang ơn những ổ bánh mì nghèo hèn vô danh, nên tôi không bao giờ có thể quên những điều đó.

Tôi là người Việt.

Diễn văn đọc vào bọng cây

20140416-080727.jpg

Rồi mai đây, chúng ta sẽ làm một tấm bia tưởng niệm cho lòng nhân ái của con người, lòng kính trọng cho nền giáo dục. Tấm bia có thể sẽ được dựng ở quảng trường thành phố, khắc ghi với dòng chữ “ở đất nước này, nơi đây, đã từng có một giai đoạn, con người đối xử với nhau như dã thú. Công an đã nhét súng vào họng thường dân để tra khảo. Thầy cô đã giao học trò mình cho những người có vũ trang đánh đập. Người cùng màu da đã nhục hình trẻ con 10 năm. Thế hệ trẻ đã hận thù nhà trường, căm hận xã hội và cười chê, phỉ nhổ vào nền đạo đức giáo khoa… và tất cả những điều đó, điều đã bị lãng quên trong sự vô và cố tình của của nhiều tầng lớp con người, kể cả quan chức có trách nhiệm”.

Khi nào chúng ta có thể lập tấm bia đó? Ở thời điểm nào mà chúng ta có thể tự cam đoan với nhau rằng những điều thương tâm đó chỉ còn là quá khứ? Khi nào chính quyền có thể mạnh mẽ lên tiếng rằng xã hội đã thật sự có bình an. Và khi nào pháp luật sẽ nghiêm minh và quyền con người đã đủ để công an không còn tụ họp nhau đánh thường dân, không còn vô cớ tát tai người đi đường, dân quân không lấy nhục hình ở trẻ em làm niềm vui cho mình?

Những điều dị thường đó, xảy ra hàng ngày, khiến những giọt nước mắt khóc thương cho bé trai 13 tuổi tự tử vì danh dự 47.000 đồng đã rơi ít đi, niềm vui cho bé gái bị nhà trường tra khảo đến phát điên vì 47.800 đồng oan, nay đã nói lại được cũng lặng lẽ hơn. Xã hội đã chai lì, con người đã làm quen với những điều bất khả mà nay quá thường nhật: như con thú ăn cỏ sau khi làm quen uống máu đồng loại đã biến thái vô luân.

Thật độc đáo, như một gánh xiếc thương tâm. Mỗi ngày trên đất nước Việt Nam, chúng ta lại có thêm một câu chuyện quái gỡ và phi nhân, thường nhật như mỗi sáng ta phải ăn sáng trong máu và gặm rỉa những điều nhức nhối của dân tộc mình như loài quái điểu. Không ai nói, và cũng không ai biết vì sao những điều điên loạn đó không ngừng lại. Một xã hội tự hào với 4000 năm văn hiến đột nhiên lại vật vã thiếu văn minh nhưng thừa thãi các quan chức tập thắt cà-vạt kiểu Anh và tập bước xuống đúng thế từ những chiếc xe hơi bóng lộn.

Chúng ta sẽ làm sao? Hay chúng ta rồi sẽ ra sao?

Sự phẫn nộ là đám mây đen đang che phủ. Các nhà lãnh đạo có thể kiêu ngạo và chỉ nhìn thấy sự im lặng của dân chúng trước những điều xảy ra, nhưng với đám đông, ai đứng trong đó cũng cảm nhận thấy rằng đó là sự bùng nổ đang đợi giờ chín muồi. Cái gì sẽ xảy ra? Không ai biết và cũng không ai có thể tưởng tượng đúng được những điều sẽ đến. Chỉ mơ hồ biết là đau khổ rồi sẽ chồng chất khổ đau.

Những dòng tin gọi là “công lý” được đưa ra từ báo chí Việt Nam, bỗng vang lên như tiếng cười tràn đầy nước mắt của những ai có lương tâm. 25 triệu đồng bồi thường cho bé gái bị câm do tra khảo. Một cuộc đời phía trước sẽ bị lãng quên với cái giá rẻ mạt như vậy. 4 dân quân thích hành hạ trẻ em bị đưa ra khỏi lực lượng tự vệ như một cách làm yên lòng dân. Công an đánh dân được đổi đi làm việc nơi khác để trấn an lương tâm xã hội, kẻ quyền chức làm sai được thuyên chuyển công tác, đôi khi là bí mật nhậm chức cao hơn… Nhân tâm Việt Nam bị thách thức, đạo lý và tri thức Việt Nam bị sỉ nhục trước thói quen coi thường nhân dân của một hệ thống quan quyền nghĩ mình có thể làm tất cả, thậm chí bóp méo lương tri, sự thật… của dân tộc mình. Ai sẽ trả lại cho niềm tin xã hội đã bị tước đoạt? Ai sẽ đem lại một đời sống trong lành và công bằng giữa một thế giới nhiều ngụy biện và ác độc của loài ma sói?

Bọng cây không trả lời tôi.

Tất cả những câu hỏi của tôi cũng như những lời kêu gào đòi lại nhân ái và công bằng bên ngoài kia cuộc đời cũng rơi vào bọng cây, im lặng và vô vọng.

Tôi không thích tên của đất nước mình nằm trên bảng đồ thăng tiến rực rỡ khi bên trong đó, ngày ngày những bản biến tấu của uất hận và nước mắt cứ vang lên. Tôi không mong tên đất nước mình đứng nhất nhì thế giới vể xuất khẩu gạo nhưng mùa xuân đến vẫn có hàng triệu người dân tôi đói thấp thỏm. Tôi cũng không mong quốc gia mình có quân lực nhất nhì Châu Á để thừa thãi súng để kê vào miệng thanh niên nhưng im lặng nhìn khi kẻ thù phía Bắc bức hiếp dân mình trên biển.

Những thằng trí thức – như tôi – chỉ là đồ tồi.

Ví chúng chỉ có chữ nghĩa và sự bất lực đồng hành, viết lên mấy câu và làm một điều gì đó chẳng đáng gì với thế giới sống của nó.

Tôi mượn bọng cây để phỉ nhổ vào mặt mình, và xin lỗi bọng cây vì tôi đã lợi dụng nó. Tôi tệ đến mức chẳng còn biết lợi dụng ai, ngoài cái bọng cây.

Bọng cây biết cách im lặng, cho qua mọi thứ tôi đã đọc vào. Nhưng tôi tệ hơn một cái bọng cây, vẫn ôm những thứ đó, thậm chí biết rằng mình mang theo những nỗi buồn, đến chết cũng không thể nào quên được.

Sunday, April 13, 2014

Giữa bãi hoang, ngó về đền đài

image



Ngay khi có tin xác định ca sĩ Khánh Ly về nước trình diễn, có thể là buổi duy nhất, ngày 9.5 ở Hà Nội, đã có không ít lời khen tiếng chê lao xao. Và trong đó, không ít lời bình phẩm rằng "thật vô lý khi bỏ ra một số tiền rất lớn để vào nghe một tiếng hát nay đã… phều phào".

Không thể không nhìn thấy đó là một quan điểm hết sức thực tế. Rõ ràng việc dùng số tiền bằng cả tháng lương của một người bình thường để vào nghe một tiếng hát nay đã 70 tuổi, thì thật lạ. 

Ban tổ chức chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly cho biết, giá vé thấp nhất là 900 ngàn, còn cao nhất là 3,5 triệu đồng. Đó là chưa nói đến những loại vé ủng hộ và tài trợ riêng. 

Cái giá của cuộc thương thuyết để ca sĩ Khánh Ly trở về Việt Nam trình diễn, ở mọi mặt là không đơn giản. Có thể nói là phức tạp nhất trong mọi trường hợp ca sĩ người Việt hải ngoại về nước biểu diễn từ trước đến nay. 

Thậm chí để có được ngày diễn chính thức trong năm 2014, nhà tổ chức và ca sĩ Khánh Ly đã thảo luận với nhau hơn một năm trong vòng bí mật. Thế nhưng ngay khi có tin giấy phép biểu diễn đã cấp xong đã có ngay những bình luận rằng "không nên trông chờ gì vào tiếng hát này".

Ấy vậy mà đó lại là chương trình biểu diễn của một ca sĩ từng được rất nhiều nhà tổ chức liên tục ngỏ ý và đàm phán, kể từ năm 1996, tính từ khi ca sĩ Elvis Phương trở thành ca sĩ hải ngoại đầu tiên làm liveshow giữa Sài Gòn, do Trung tâm băng nhạc Rạng Đông, một công ty của người Việt trong nước tổ chức.

Lại có tin như trêu ngươi rằng nữ ca sĩ này có thể sẽ là người lập kỷ lục trong lịch sử âm nhạc Việt Nam về giá cát-sê. Sân khấu có 3.500 ghế, nếu không có gì làm thay đổi, dự kiến sẽ không còn chỗ.

Câu hỏi vang lên, tại sao?

Không phải chỉ là Khánh Ly, mà có một chuỗi dài những cái tên ca sĩ hải ngoại, vốn không còn trẻ trung gì, một thời gian cũng đã thay nhau làm náo động sân khấu ca nhạc Việt, không chỉ là người Sài Gòn, mà cả người Hà Nội cũng háo hức chờ đón.

Những đêm diễn của Chế Linh, Thanh Tuyền cũng chật cứng không còn chỗ ngồi. Thậm chí đã có những bình luận về mặt học thuật rằng đó chỉ là những tiếng hát "bình dân", không có giá trị kỹ thuật nào. 

Nhưng mặc kệ những trau chuốt thông thái, khán giả tuân theo cảm giác của trái tim, họ vẫn đến và vẫn vỗ tay không ngớt như thưởng thức một đêm nhạc vĩ đại của đời mình. Mọi thứ đó chỉ nhàm chán và nhạt dần do cách nạo vét của nền thương mại giải trí thời nay. Nhưng khi đối diện với những cái tên mới, sự hâm mộ vẫn lại bừng lên.

Khánh Ly là một trong vài cái tên hiếm hoi của âm nhạc Việt Nam trước năm 1975, còn chưa có dịp hát ở quê nhà. Những ký ức vàng son hoài niệm của một thế hệ, vẫn có giá trị như tiếng chuông vang lên trong buổi chiều tà làm người ta nhớ và thương rất nhiều thứ trong đời mình, thông qua một tiếng hát.

Giữa một nền văn nghệ hiện tại không ít hỗn loạn, với những giá trị đảo lộn, thương tích, người  ta vẫn tìm cách tự chữa lành mình, bằng cách ngó về những đền đài đã mất.

Có lần ghé qua một thành phố cao nguyên, tôi nhìn thấy một người già ngồi sang và bán những chiếc băng casette, trong đó là những bài hát đã được ghi âm từ vài mươi năm trước. 

Giữa một thế giới tràn đầy cái mới, đến và đi vô hồn, bất ngờ tôi chợt hiểu rằng, ở một nơi nào đó trong cửa sổ của thinh lặng của trái tim, vẫn có rất nhiều người muốn được nhìn thấy lại ban mai đời mình, muốn nghe lại, chạm được với những điều mà nay đã run rẩy già nua, nhưng tràn ngập ý nghĩa.

Tôi thấy mình cũng đã từng chết lặng ngồi ở vỉa hè, khi vô tình nghe tiếng hát Thái Thanh với một bản ghi âm sứt sẹo, hát về những đứa con lớn khôn nay không còn biết thương xóm làng, hay chùng xuống khi nghe câu chuyện chiếc thuyền viễn xứ mịt mờ trong tiếng hát Lệ Thu cũ kỹ. Âm vang đó, tạo nên hành trình vô lượng kiếp để dắt ta thoát khỏi rẻo chật chội của nơi bàn chân đứng.

Có thể vì vậy mà khi tìm về với một Khánh Ly, mặc nhiên người ta không quan tâm đến một tiếng hát có thể đã… phều phào, mà tin rằng có thể bằng nội lực truyền cảm chân thành của người ca sĩ này vẫn có thể tạo ra sự háo hức muốn đọc lại quyển sách ký ức, trong đó có Trịnh Công Sơn, có hình ảnh của ca khúc Da Vàng trên quê hương, và có cả chính mình nhỏ nhoi trong đó.

Với những cách tính thực tế, phí tiền cho một giọng hát già nua là vô lý, nhưng với sự phi thường của vô thức, cầm được chiếc vé đi về ngày hôm qua, thật xứng đáng để rung động. Chắc chắn cũng có những kiểu khán giả khác. Những kẻ học đòi, những trưởng giả làm sang, những kẻ tò mò...

Nhưng với những người yêu âm nhạc, và yêu những giá trị lớn hơn phía sau âm nhạc, đôi khi đi đến nghe một điều cũ kỹ còn là một sự kháng cự tinh thần thầm lặng. Giữa một nền văn nghệ hiện tại không ít hỗn loạn, với những giá trị đảo lộn, thương tích, người  ta vẫn tìm cách tự chữa lành mình, bằng cách ngó về những đền đài đã mất.

Wednesday, April 9, 2014

Án tù cho nghệ sĩ, có sợ không?

20140409-095757.jpg


Một ngày sau phiên xử án hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình ở Sài Gòn, tôi gọi điện cho một anh bạn nhà văn và hỏi đùa “Nghe án tù cho nghệ sĩ chưa? Sợ không?”.

Tôi nghe bên kia đầu dây bật lên một tiếng cười sảng khoái, một giọng cười miền Nam an nhiên.

Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình cũng đã an nhiên nhận những mức án rất nhiều năm cho các bài hát của họ, những bài hát hoàn toàn phản ánh hiện thực đời Việt Nam hơn là thù địch, chống phá gì đó như lời của những vị quan tòa không rõ mặt đã nêu trong buổi sáng ngày 30-10-2012.
Những bài hát đã vụt nổi tiếng bất ngờ ngay sau tiếng búa tòa, vượt quá tầm kiểm soát của những người căm ghét nó, hoặc đang giả vờ căm ghét nó.
Đây không phải là lần đầu tiên giới nghệ sĩ Việt Nam chứng kiến những án tù cho đồng nghiệp của mình.

Từ những năm xa xôi của thế kỷ 20, người ta đã chứng kiến án tù cho Hoàng Hưng, Phan Đan, Đặng Đình Hưng… những lưu đầy của Phùng Quán, Văn Cao… Sau năm 1975, đã lần lượt có các án tù cho Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu…

Nhưng rất lâu rồi, chuyện bắt tội một nghệ sĩ với quyền tự do sáng tác của họ đã là chuyện xa xưa, tưởng chừng như đã chỉ còn trong những ngày tháng mông muội nào đó.

Lao tù không phải là chuyện lạ
Nói như vậy, để hiểu rằng trong lịch sử riêng của giới văn nghệ sĩ Việt Nam, lao tù không phải là chuyện lạ. Nhưng dường như bất chấp những nguy nan đó, việc phản ánh những hiện thực của giới nghệ sĩ bằng cách viết, cách hát, vẫn xuất hiện một cách rất an nhiên.

Việc bắt giữ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã tạo nên một làn sóng phản ứng khó lường. Thậm chí với cộng đồng người Việt đã xa quê hương và xa những con người Việt thế hệ mới trong nước, họ cũng đã bày tỏ sự sửng sốt của mình, khi nghe có những con người đang đối diện với lao tù chỉ vì ca hát, bằng cách xuống đường và chia sẻ những chữ ký hết sức ấn tượng.
Nhưng đâu chỉ là chuyện người Việt với nhau, tuy xa cách địa lý, nhưng dường như sợi dây vô hình của nền văn minh loài người đều tạo ra những phản ứng nối kết giống nhau, như cái cách thế giới đã phản ứng trước việc cô bé Malala Yousafzai bị Taliban bắn vào đầu hay việc Putin cho giam giữ nhóm nhạc Pussy Riot.

Đôi khi những phán quyết đưa ra, nó không chỉ làm hủy hoại đời của một con người, mà ngược lại còn có thể tạo ra một lực phản hồi, phá hủy mọi danh tiếng và sự bền vững của hệ thống đưa ra bản án

Chưa bao giờ viên đạn như của phe Taliban bắn vào đầu cô bé Malala 14 tuổi lại trở thành viên đạn bắn thẳng vào lương tâm thế giới như lúc này. Chưa bao giờ người ta nhìn ra sự tồi tệ của chính quyền công an trị Putin ở nước Nga như lúc này, qua song sắt của ba cô gái nhóm Pussy Riot.

Và ở Việt Nam, chưa bao giờ những kẻ bị kết án là Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình lại được chia sẻ và cảm mến như bây giờ.

Đôi khi, tôi tự hỏi không biết những người soạn bản án cho Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình có thật sự lắng nghe những bài hát của họ hay không? Vì nếu chỉ dựa trên những con chữ để định đoạt số phận, tôi nghĩ công bằng nhất là nên mở một loạt phiên tòa nghiên cứu tái xét xử tất cả các nghệ sĩ, hay dễ dàng hơn là với các nhạc sĩ Việt Nam, từ Trịnh Công Sơn đến Phạm Duy và nhiều người khác nữa.
Dĩ nhiên, trong đó có cả tôi.

Quyền của người nghệ sĩ
Nói tới lắng nghe, tôi chợt nhớ đến nhiều tình huống khó quên.
Trong phim Schindler’s List của đạo diễn Steven Spielberg, những tên lính phát xít Đức đang rầm rộ tiến vào các ngôi nhà của người Do Thái, đã đứng sững và lặng yên nghe đến dứt khúc nhạc dương cầm của một người đánh đàn tuyệt vọng.

"Kẻ thù vẫn biết lắng nghe nhau, chẳng lẽ những người chung dòng máu và khát vọng dân tộc lại câm điếc với nhau?"

Hoặc trong phim the Pianist của đạo diễn Roman Polanski, viên sĩ quan Đức Quốc Xã đã lột bỏ toàn bộ trạng thái thù địch để lắng nghe một nghệ sĩ Do Thái đàn những khúc nhạc được sáng tác các quốc gia đang đối đầu như Nga hay Ba Lan.

Kẻ thù vẫn biết lắng nghe nhau, chẳng lẽ những người chung dòng máu và khát vọng dân tộc lại câm điếc với nhau?
Trong các tuyên bố chính trị ở Việt Nam lúc này, người ta hay đọc thấy cụm từ “nhóm lợi ích”.

Rõ ràng là phải có những nhóm lợi ích kinh tế bí mật nào đó đang đục khoét quốc gia và đang bị đánh động. Nhưng có hay không những nhóm lợi ích bí mật về chính trị nào đó cảm thấy bị bối rối và tức giận trước những cảnh báo về hiện thực tổ quốc của Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, nên đã vội vàng khép tội họ?

Nếu không, tôi tự hỏi, họ đã phạm tội gì khi hát bằng tình yêu tổ quốc mình?
Quyền phản ánh hiện thực – không phản bội lại nhân cách của mình, là một giá trị tuyệt đối của người nghệ sĩ. Quyền đó được nhìn nhận bằng lương tâm và giá trị văn minh của con người, bất chấp một thể chế chính trị nào phủ nhận nó.

Chà đạp và từ chối quyền đó, cũng đồng nghĩa vinh danh giá trị của người nghệ sĩ và khẳng định thêm về sự trì trệ và lạc hậu của chính hệ thống đương trị.

(31-10-2012)

Tuesday, April 8, 2014

Bức ảnh với đôi mắt liếc

[caption id="" align="alignnone" width="2000" caption="(Từ trái qua) Chị Phượng, anh Truyễn và tác giả"]image[/caption]



Trong tất cả những bức ảnh mà tôi có, bức ảnh chụp chung với vợ chồng anh Nguyễn Bắc Truyễn, là một bức ảnh có điều rất lạ. Bức ảnh chụp vào một buổi sáng đầu hè, nắng nhẹ nhàng lên cao. Ánh nắng hắt vào gương mặt từng người, dễ dàng thấy được điều đó. Tôi vẫn nhìn đi nhìn lại bức ảnh nhiều lần, trong đó, đôi mắt liếc của chị Phượng là điểm phá hỏng không gian của tấm ảnh, đã luôn làm tôi ngẫm nghĩ.

Với những nhà nhiếp ảnh, đó là một tấm ảnh sai kỹ thuật, đáng vứt đi. Nhưng với tôi, thì đó lại là một bức ảnh ẩn chứa một câu chuyện dài của đời người. Bức ảnh như một chứng vật của thời đại, mà mai sau có thể trở thành giáo khoa uẩn khúc về số phận con người nơi quê hương đang chập chùng, đầy những điều phải lo âu lúc này.

Lý do của đôi mắt liếc ấy, tôi nhớ, là khi chúng tôi đứng kề nhau và nhờ cháu Nhi, con của tù nhân chính trị Nguyễn Văn Răng (anh Răng đang chịu án tại trại Xuân Lộc, Đồng Nai) chụp giùm. Ngay khi đó, có bóng một người đàn ông bước qua cửa, và nhìn chúng tôi.

Tôi nghĩ, và có lẽ cả 3 cùng nghĩ, “lại là một an ninh chìm nhìn ngó”.

Anh Truyễn có lẽ nhìn thấy, nhưng với anh, thì chắc đã quá quen với những cảnh như vậy. Tôi thì chỉ biết nhìn người lạ đó một cách vô tri, nhưng chị Phượng thì bất ngờ linh hoạt, im lặng căng người quan sát, cho đến khi người lạ đó khuất dạng. Bản năng của riêng một người phụ nữ  hay của cả loài người trước những hiểm nguy, khiến họ trở nên nhanh nhạy bất thường. Nhất là từ khi chị Phượng yêu một người đàn ông có thái độ chính trị đối lập với nhà nước Việt Nam, vốn đã trãi qua những điều kinh hãi, nghi hoặc, nên đã trở thành bản năng với những gì bất thường chung quanh mình.

Anh Truyễn và chị Phượng gặp và yêu nhau ở hoàn cảnh thật trớ trêu, nhưng nhiều đồng cảm. Chị Phượng là một tín đồ Hoà Hảo ở Lấp Vò, Đồng Tháp, một vùng mà công an chưa bao giờ có thể là bạn, còn anh Truyễn là một người tranh đấu tự do, cũng đã trãi qua những cam go khó tưởng được. Dù mới biết nhau, Anh Truyễn và chị Phượng đã sớm chia nhau nỗi đau về phận làm người trên nước mình. Mới đây thôi, ngày 24-2-2014, khi cùng nhau đến tòa đại sứ Úc ở Hà Nội, an ninh chìm đã xông đến đánh anh Truyễn mặt bê bết máu, mắt sưng bầm, nằm gục giữa đường. Và dù là phụ nữ, chị Phượng cũng bị đấm vào mặt, suýt ngất. Đám đông xuất hiện can thiệp, an ninh bỏ đi. Người ta kể rằng chị Phượng với 2 dòng nước mắt lăn dài, nhưng vẫn kiên cường dìu chồng của mình đứng lên để tiếp tục đi.

Trước đó, ở ngay tại nhà mình. Chị Phượng chứng kiến tình yêu của mình có cái giá như thế nào. Ngày 9-2, hàng trăm công an xông vào nhà chị đập phá, đánh người rồi giải đi. Hàng xóm chung quanh kinh hoàng. Liên tục nhiều đêm sau, những bóng đen ngang nhiên leo vào nhà chị tìm cách phá hoại đời sống, khủng bố tinh thần. Những người phụ nữ trong nhà thì hoảng sợ, im lặng, ngồi cố thủ trong nhà.

Nhưng anh Truyễn không vì sợ hãi mà ngừng lại. Cái ngày tôi gặp anh Nguyễn Bắc Truyễn và chị Bùi Thị Kim Phượng ở Saigon, là ngày anh Truyễn vẫn ráo riết chạy vạy, tìm cách làm cái gì đó để giúp cho các con em của tù nhân chính trị đang gặp khó khăn. Chị Phượng vẫn ở đó, bên cạnh anh. Ánh mắt chị vô cùng dịu dàng và tự hào khi nhìn anh Truyễn nói chuyện với tôi. Đó là một trong những ánh mắt có giá trị xác tín ở tình yêu, lớn lao nhất, mà tôi có thể chứng kiến trong đời mình.

Và cũng ánh mắt đó, trong phút giây tích tắc của bức ảnh ghi lại, tôi nhìn thấy ánh chớp của người đàn bà đã bước qua sóng gió và nay sẳn sàng lao ra để đối phó, che chắn cho tình yêu của mình. Đôi mắt liếc, sắc và không hề sợ hãi đó, tôi nhìn đi nhìn lại và mỉm cười: Tấm ảnh đã nói quá nhiều điều.

Tôi gửi bức ảnh đó cho một người bạn ở nước ngoài, nhờ giữ giùm như một kỷ vật quý giá. Tấm ảnh với đôi mắt liếc đó, với tôi, đó là một câu chuyện cần phải được kể lại, minh hoạ thật sống động, vào một ngày nào đó. Dĩ nhiên, khi đó, nó sẽ là một phần của lịch sử mà người Việt đã bước qua, học và nhớ để không bao giờ quay trở lại.

Wednesday, April 2, 2014

Thưa thầy, chiến tranh là gì?

img_201402221606062615
Một ngày xế trưa của Saigon lười biếng và thinh lặng. Ngồi cùng với một đứa học trò nhỏ, sinh vào giữa thập niên 90, khi cả hai đang chăm chú đọc tin tức về chuyện quân Nga tràn vào Ukraine. Bất chợt tôi nghe hỏi: “Thầy ơi, chiến tranh ra sao?”.

Đó là một câu hỏi thành thật. Lặng đi trong một giây lát, tôi chợt hiểu rằng không chỉ đứa học trò này, mà còn có hàng triệu thanh niên khác ở xứ Việt vẫn đang ngơ ngác về chiến tranh. Câu chuyện con người dùng vũ khí tiêu diệt nhau, lâu nay, với nhiều người trẻ, có lẽ vẫn chỉ quen những điều ly kỳ từ Hollywood.

Câu hỏi rơi vào những ngày, mà gần 40 năm trước, chung quanh chỗ tôi ngồi, và xa hơn nữa, là đạn bom vô tình. Câu hỏi nhắc rất nhiều thứ về tiếng súng đã ngừng trên quê hương Việt Nam, được đổi lại bằng các vết thương hoà bình không bao giờ thôi mưng mủ.

Vết thương đau đến mức nó cắt lìa hàng triệu linh hồn và niềm tin ra khỏi nhau. Nó làm dị dạng trái tim con người khi cùng nhau cố tập hát bài ca thống nhất. Trong lời hát mong manh đó, tâm linh cũng trở thành một thứ nghệ thuật xếp đặt: có nơi Phật linh thiêng nhờ tiền giấy nhét vào tượng, còn ở nơi khác thì Phật được cấp giấy cư trú khi chia sẻ chỗ nằm với một lãnh tụ cộng sản.

Thật khó mà giải thích chiến tranh ở xứ sở này là gì với một đứa trẻ lớn lên trong thế kỷ  có xã hội được coi là bình yên, có những người cai quản thích miền não phẳng, thích tuân lệnh và thích lịch sử có những đoạn cần phải bị tô đen. Chiến tranh hiện hình bằng tiếng gõ cửa hỏi hộ khẩu, chiến tranh hiện hình là hơi thở dài cam chịu sự khác biệt. Chiến tranh không cần lên đạn báo hiệu, chiến tranh không cần chiến trường.

Đứa học trò im lặng suy nghĩ hồi lâu, lại chợt hỏi “Vậy mình sẽ chọn ai để chống khi chiến tranh xảy ra?”.

À, chiến tranh hôm nay trong mắt đứa học trò của tôi là sự phân vân kẻ thù, người thân. Chiến tranh đến ở đâu, cũng kéo theo sự ngẩn ngơ về chỗ đứng của mình. Không ít người Ukraine bây giờ cũng đang phân vân, trước tiên, là phải nhằm bắn vào kẻ xâm lược hay kẻ phản bội quê hương.

Cảm giác một cuộc chiến tranh thật trên đất nước này cũng rất gần. Chuyện giặc phương Bắc lăm le tràn xuống vẫn là đề tài được bàn tán không ngừng. Đã có người hô lên những điều đó, và cũng đã có người chịu tù đày vì cảnh báo điều đó, dù chỉ là tiếng hát.

Quả thật bi đát nếu có một cuộc xâm lược như vậy từ Trung Quốc, một quốc gia cộng sản từ phía Bắc. Nhưng còn bi đát hơn nữa nếu như có những tên phản bội đang nằm sâu trong lòng dân tộc Việt Nam và giang tay đón kẻ cộng sản xâm lược, không khác gì câu chuyện ở Ukraine.

Tôi chỉ biết gợi ý với chú nhóc học trò rằng, về phần mình nếu phải chọn, tôi sẽ chọn chống kẻ xâm lược trước.

Kẻ thù bên ngoài là mối hoạ lớn nhưng không quá đáng sợ, tổ tiên chúng ta đã dặn. Điều lớn hơn là cuộc chiến tranh trong lòng đất nước và có thể chúng ta có phải sẽ phải giành giật đến chết, đến đời con cháu mới tìm lại được sự tự do trọn vẹn và không còn những vết thương mưng mủ. Lịch sử ngàn năm của đất Việt cũng đã ghi lại nỗi đau nhức này.

Tôi tìm trên internet và nhìn thấy tấm ảnh những người Ukraine tóc đã bạc đang cầm súng, tự biến mình thành dân quân để cản bước quân Nga lẫn những kẻ thân Nga đang bán đứng tổ quốc. Trái tim tôi rúng động: Họ run sợ nhưng không hề muốn lùi bước trước kẻ ác.

Thầy xin lỗi vì đã không thể trả lời con một cách đơn giản, do quê hương chúng mình đầy phức tạp. Thôi thì nếu không may chiến tranh ập đến, chúng ta nên bắt đầu từ việc chống lại kẻ ác.

Và con cũng đừng bao giờ quên, xâm lược một dân tộc hay bán đứng một dân tộc, tất cả đều là kẻ ác.

Tuấn Khanh
(03-2014)

Saigon, trong thanh âm vô lượng

Image
Mỗi người dân Sài Gòn nhập cư đều có một cố hương để hoài nhớ. Thành phố này ôm trong lòng nó đủ hạng người với nhiều cung bậc cách biệt, nhưng không biệt xứ. Có cõi quê trở về cho tròn lời hứa Xuân này con trở về, rồi lại khắc khoải nỗi tha hương Lạy mẹ con đi. Đi để về và đi là về.

Vài mươi năm trước, tôi vẫn bị hấp dẫn bởi những tiếng gõ nhịp của xe mì đêm. Những chủ xe mì đẩy dọc vỉa hè ban đêm luôn có một, hai tùy tùng lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để rao mì bằng tiếng gõ độc đáo.

Đó là những nhịp điệu không quá chói tai để tránh làm phiền người ngủ sớm.

Có lần được nói chuyện với A Hoành, một ông già Trung Hoa đầy kiến thức dân gian, ông nói việc gõ mì cũng báo hiệu bang hội và đẳng cấp. Để phát ra tiếng kêu thanh và chắc đó, người bán mì sử dụng hai miếng gỗ dài, mặt hơi cong để tạo âm vang, và sau này thường là hai miếng tre. Hình thức này rất giống với người mõ làng ngày xưa vẫn đi tuần trong thôn xóm, gõ báo sang canh cũng như phòng trộm cắp. Nhưng gõ mì thì nhịp điệu thôi thúc và nhiều nhạc tính hơn.

A Hoành nói ngày xưa người bán mì rong vỉa hè cũng có bang hội. Người vào nghề bán mì nếu là hạng thứ, chỉ được gõ chứ không được đứng bán. Học gõ rao mì không dễ, có người phải tập một, hai tuần mới được. Người Hoa từ xưa đã mang nghề bán mì đi khắp thế giới để kiếm sống, nên người đến trước có quyền hạn như đại ca. Tiếng rao mì của vùng do đại ca quản lý, tiếng gõ có những âm thanh khác biệt mà dân trong nghề nghe phải biết và tránh lấn vào vùng làm ăn của đại ca như một cách bày tỏ sự tôn trọng.

Những ngày tháng xã hội biến động, không chỉ ở Trung Hoa hay Việt Nam, những xe mì tham gia hội kín cũng hay dùng tiếng gõ mì như một loại truyền tin mà chính quyền nào cũng bó tay, không tài nào hiểu được.

Khi thêm hiểu biết, tôi thú vị vì giá trị của tiếng gõ mì như một loại truyền thông tiếp thị đường phố – street marketing, loại quảng bá kinh doanh quan trọng được đưa vào sách giáo khoa của các đại học lớn trên thế giới sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, vậy mà ông cha sử dụng tự nhiên từ một cảm giác trời ban, không cần loằng ngoằng lý luận.

Năm 1995, khi ông vua nhạc pop Michael Jackson phát hành album History, tôi từng sửng sốt khi nghe nhịp điệu của bài They don’t care about us: nó không khác gì nhịp điệu của mì gõ Sài Gòn, được thêm thắt bằng những âm thanh hiện đại. Nhịp điệu thôi thúc và hấp dẫn này lọt vào top 10 của hầu hết các quốc gia châu Âu. Còn tiếng gõ mì, nếu được bình chọn, tôi tin rằng nó sẽ lọt vào top 10 của những âm thanh làm nên một Sài Gòn hoa lệ và bao dung, che chở và nuôi nấng hàng triệu người nhập cư.

Đã nói đến bình chọn thì không thể không nhắc đến tiếng trống – phèng rao bán đầu lân ông địa mùa Trung thu. Cùng với tiết tấu của hip hop, điệu trống bán đầu lân luôn khiến đám nhỏ nhảy múa quanh chiếc xe. Đứa nào được gia đình cho tiền mua một cái thì như lên tiên, cứ tung tăng không ngừng nghỉ bên nhịp điệu “tùng cheng”. Điệu trống làm trẻ nhỏ nôn nao đó là cột mốc thời gian, báo hiệu một thời khắc của mùa, của đời đang đến.

Sài Gòn đã nhận vào lòng mình muôn muôn tiếng động, như nhịp đập của trái tim của vùng đất, như hơi thở của thị dân linh hoạt và tự do thiên định trong dòng máu của mình. Vô cùng sáng tạo, người ta có thể nhớ nhiều đến tiếng răng rắc rao đấm bóp đêm, tiếng leng keng của xe bán kem, tiếng kèn bóp hơi của người mua bán ve chai, tiếng mu rùa lốc cốc của người coi bói dạo... kể cả tiếng kèn tây đám ma tiễn đưa người chết.

Nhưng cũng như tuổi thanh xuân đẹp nhất của mỗi người đã đi qua và không bao giờ trở lại, cô gái Sài Gòn nhiều tuổi hơn và cũng mất mát những điều diễm lệ đời thường đã từng có. Những thanh âm độc đáo đó cũng mất dần. Những tiếng rao hàng cũng xa xôi. Sài Gòn giờ rực rỡ hơn, ồn ào hơn... Nhưng cũng chừng như ít nhiều vô vị.

Những thanh âm được sáng tạo của người xưa giờ được thay bằng những chiếc loa sắt và các phần ghi âm sẵn. Nền công nghiệp bèo nhèo của hệ thống tiếp thị kinh doanh đường phố đã giết chết những điều rất “người” và kỳ thú còn sót lại của thành phố.

Tiếng nhạc kẹo kéo giữa những đêm bên các tụ điểm sôi động của Sài Gòn với dòng ca sĩ bắt kịp thời sự của Mỹ, là một dấu ấn khác. Những Michael Jackkeo, những Lady Keokeo...

Có lẽ rất nhiều người vẫn thầm nghĩ tiếng loa rao bán keo bẫy chuột hay tò te tí vô hồn của xe kem cây đời mới, không bao giờ so được với tiếng rao của con người, dù yếu ớt giữa muôn vàn tiếng động đô thị. Nhưng những đổi thay buồn chán đó vẫn được ôm trọn trong lòng Sài Gòn bằng sự bao dung rộng lớn, vì đó cũng là những cách để mưu sinh.

Trong những điều rất mới của âm thanh Sài Gòn, có những chiếc xe ba gác chở đầy đĩa nhạc, xập xình những bài hát được yêu chuộng. Nhưng âm thanh được phát ra trên những chuyến xe đó, vang vọng lời ca một thời của Thanh Tuyền, Duy Khánh, Sĩ Phú... cũng là những điều xưa cũ, hoặc làm người ta nhớ đến những điều rất xưa cũ.

Sài Gòn là vậy đó. Sài Gòn bao dung ôm trong lòng mình tương lai nhưng không bao giờ phản bội quá khứ.

Tuấn Khanh
(12/2013)
Nguồn ảnh:Tư Liệu

Vết ngứa trong tim

Ghi chú: Bài viết ra đời trong hoàn cảnh đột ngột có vài nghệ sĩ miền Bắc lên tiếng tấn công nhạc sến, với lý luận rằng đó là một dòng nhạc đã cũ, cũng như ám chỉ ai thiếu văn hóa mới nghe loại nhạc này. Trong bối cảnh những nghệ sĩ miền bắc đó, vốn xuất thân từ vị trí có thế lực, nên tôi buộc lòng phải lên tiếng để bảo vệ dòng nhạc này.

Image

Hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt (1215-1294) có tất cả, trong lịch sử xâm lược của mình. Nhưng vẫn có một điều làm ông mang nỗi hận cho đến lúc chết. Đó là nước Đại Việt. Ba lần mang đại quân từng đè bẹp mọi quốc gia lân cận đến đất Nam, nhưng cả ba lần Hốt Tất Liệt chỉ nhận được tin dữ mang về.

Cay đắng vì không khuất phục được, cay đắng vì không hiểu sao mình không thể can dự vào giấc mơ ép dân Nam làm nô lệ cho mình, Hốt Tất Liệt luôn nhắc đến Đại Việt trong sự căm ghét, tận đến lúc trút hơi tàn. Trên giường bệnh, lịch sử ghi rằng Hốt Tất Liệt từng thở hắt và nói rằng “nước Nam như vết ngứa trong trái tim ta”.

Thật giản dị để hiểu được cảm giác này của Hốt Tất Liệt, khi nhìn thấy một dân tộc chân đất, giản dị và chừng như rất ủy mị, yếu ớt, nhưng khi chạm vào, thì hóa ra đó là điều bất khả.

Người Việt, văn hóa Việt và những giá địa mang tính bản sắc địa phương luôn tiềm ản những giá trị độc đáo như vậy: nhỏ nhoi mà lớn lao, khuất nhưng không bao giờ tắt.

Nhạc sến – với nhiều tranh cãi từ cái tên gọi, cho đến việc làm đẹp cho nói bằng một cái tên đầy chất hiện đại là bolero – Vẫn là một điệu đặc biệt khó tả trong âm nhạc, lẫn văn hóa miền Nam, kéo dài đến miền cây số của miền Trung. Và dù có nhận định như thế nào, yêu thương hay ghét bỏ, nhạc sến vẫn đã gắn liền với người miền Nam, trở thành một hình thái bản sắc riêng sống động, gắn liền với mọi thế hệ, và có thể dự đoán là ít nhất trong một thế kỷ nữa.

Về mặt học thuật, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự gắn liền mạch sống của nhạc sến với vọng cổ, hò, lý… miền Nam, cũng như ngôn ngữ chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu văn chương nghệ thuật, có tính ủy mị, thê lương hay chân thành, triết học từ thời đại của Tiểu thuyết thứ Bảy, từ đầu thập niên 30, thế kỷ 20.

Về mặt đời sống, nhạc sến là chuyến xe chất chồng và đầy đủ nhất lịch sử tâm hồn, hoàn cảnh, con người… của miền Nam từ năm 1954 cho đến 1975. Bất cứ nhà nghiên cứu xã hội nào cũng có thể tìm thấy một kho dữ liệu khổng lồ phán ánh trung thực mọi thứ về con người và toàn miền Nam. Nó là quá khứ, là chiêm nghiệm và đầy khả năng suy đối đa chiều cho những ai sống trong nền văn hóa này, bất kể thế hệ nào, độ tuổi ra sao.

Image

Nhưng cũng kỳ lạ, nhạc sến cũng là một loại “vết ngứa trong tim” của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ… xuất thân hoặc được hưởng thụ từ dòng chảy này, vì dù có cố viết bắt chước lại, có mô phỏng hay trình bày lại, cũng khó mà chinh phục được, dù bề ngoài của sến thì rất giản đơn – và có thể cũng rất “bất thường”.

Hiện tại chứng minh rằng nhạc sến vẫn chiếm lĩnh ở mọi nơi, và dù khuất bao lâu, nó vẫn trỗi dậy như một điều không thể thiếu ở miền Nam, và xa hơn thế nữa. Cứ như là đến New Orleans thì nghe blues, và đến Nashville thì nghe country. Tôi đã từng đến miền Bắc, đi tìm để nghe những điều rất riêng của âm nhạc nơi này, và lạ thay, ngay ở các công viên giữa trái tim Hà Nội, tôi vẫn thấy người ta chơi đàn và hát nhạc sến một cách say mê.

Có ý cho rằng sến là một sản phẩm của thời chiến tranh nên ủy mị, chán chường, nên giờ không hợp thời. Nhưng trên thực tế cũng có rất nhiều sản phẩm thật sự sinh ra từ thời chiến tranh, mà đã bị quên lãng hoàn toàn. Nhưng nói cho đúng, thì chiến tranh không sinh ra văn hóa, và chỉ có nền văn minh mới sản sinh ra âm nhạc mà thôi. Bản thân âm nhạc không có giai cấp, chỉ có con người bị ràng buộc của nghèo nàn giai cấp mới ấn định thứ bậc cho cuộc sống mình.

Có ý cho rằng sến đã quá cũ, không nên làm sống lại, không nên lôi ra đời sống hôm nay. Nhưng phải chăng người Việt – với đa số - không thể thiếu nó trong không gian tồn tại của mình? Việc nó vẫn được chào đón, thậm chí là làm giàu cho các nhạc sĩ, ca sĩ, hơn cả các thể loại khác như pop, rock, dân gian đương đại gì đó… cũng là một ví dụ đáng suy nghĩ. Nhưng sến xưa cũ thì đã sao? Đã hơn 300 năm từ ngày có nhạc của Mozart, người ta vẫn nghe lại với đúng hòa âm đó, hòa thanh đó và thậm chí càng cổ càng tốt, thì sao?

Hốt Tất Liệt cho đến chết vẫn chưa bao giờ gãi được vết ngứa trong tim mình, vì chỉ có khi ông hiểu được Đại Việt, thì ông mới có thể thanh thản ra đi mà thôi. Cũng như rất nhiều người đứng bên ngoài ánh sáng của nhạc sến và cay đắng vì những gì mình không cảm nhận được. Và Hốt Tất Liệt vẫn chết, Đại Việt vẫn ung dung tồn tại.

Nhưng tại sao, vẫn có một lớp người luôn nhân danh văn minh và trẻ trung để vùi dập một dòng nhạc, khi nó chỉ có một chức năng là giải trí cho con người? Câu hỏi vẫn chưa được trả lời, cho đến khi tôi vô tình đọc lại phần “Những thói xấu của người Việt”, về tật “tự giam hãm mình trong lũ tre làng” để mở mắt nhân ái nhìn những đổi thay và khác biệt bên ngoài, dẫn đến việc ngu dốt chà đạp mọi thứ mình không thể kiểm soát được, chinh phục được. Ông Trần Huy Liệu vẫn nói đấy thôi, trong tập Một Bầu Tâm Sự, xuất bản từ năm 1927.

Tuấn Khanh, 7-2013
(Nguồn ảnh: từ internet)

Như là con người với nhau

1890985_10152034785933181_1807081321_n-187x300
Nhân dịp cả một xã hội xôn xao chuyện một diễn viên điện ảnh về già kêu than trước gia sản 10 tỷ sắp mất. Chợt nhớ đến ông Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ, nay đã gần 100 tuổi.


2 con người, là 2 số phận khác biệt mà lại rất chung. Nam diễn viên điện ảnh này nổi lên nhờ một bộ phim do nhà nước đầu tư cho chính sách văn nghệ tuyên truyền và được lăng-xê hết cỡ. Sau phim đó, ông ít khi chứng minh được gì thêm ngoài việc đã sống trọn sức trẻ cho một tác phẩm tuyên truyền, đặc biệt ở một giai đoạn mà người Việt Nam hầu như không được tiếp xúc với các tiêu chuẩn điện ảnh thế giới.

Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ông cũng lừng danh từ các bài hát mà ông sống và làm việc ở miền Bắc trong thời chinh chiến phân chia. Và dù được biết nhiều với các ca khúc như Mẹ Yêu Con, Dáng Đứng Bến Tre… Nhưng ông luôn khẳng định rằng mình thương nhớ nhất vẫn là bài hát Dư Âm.

Theo lời ông kể, đó là đứa con tinh thần mà cuối những năm 50, ông bị kiểm điểm và buộc viết cam kết từ bỏ bài hát này như một sản phẩm nhuốm tinh thần bệnh hoạn tiểu tư sản. Những chính trị viên văn hóa đã lôi ông đi khắp nơi, để buộc ông nói lời xin lỗi trước ‘nhân dân’ và nhận sai vì đã sáng tác bài hát ủy mị này.

Năm 2005, khi tôi hỏi ông vì sao ông vẫn yêu nhất Dư Âm. Ông nói “đó là tiếng lòng của tôi bị tước bỏ. Những cái khác dù hay, dù nổi tiếng cũng chỉ là tuyên truyền, là đồ bỏ”.

Năm 2014. Khi diễn viên điện ảnh này kêu gọi mọi người chú ý về cuộc đời riêng của ông, như một cách nhắc lại công lao tuyên truyền mà ông đã đóng góp, thì đâu đó ở khu chợ Tân Định, Saigon, người nhạc sĩ già đầy bệnh tật, thiếu thốn tiền bạc vẫn lặng im, ngồi nhìn qua cửa sổ. Ông như một phần lịch sử của Việt Nam đang héo úa, chờ ra đi trong kiêu hãnh và tự trọng.

Trở lại câu chuyện của Nam diễn viên điện ảnh. Quyền lên tiếng là quyền của bất cứ ai. Nỗi khổ đang được chia đều trên tất cả sinh linh của đất nước này, theo một cách tính nào đó. Nỗi khổ hằn rõ trên gương mặt của những mẹ già thất thểu vé số cầm tay qua mọi con đường, nỗi khổ khắc rõ hình dạng những người vợ, người con chôn đời mình kêu oan trước các cánh cửa công đường, nỗi khổ là tương lai bấp bênh của những đứa trẻ không cơm, không quần, không được học hành ở các đồi núi Việt Nam.

Nỗi khổ cũng vẫn đang lặng im và hằn rõ trong đuôi mắt của người nhạc sĩ già vang danh chờ tử thần đến gọi, mà tôi được thấy.

Khác với muôn loài, Ngựa vằn Châu Phi chỉ cất tiếng kêu vào lúc tuyệt vọng. Tiếng kêu khổ đau đó là tiếng kêu ý nghĩa nhất để gọi bầy khi cái chết đến, chứ không phải là tiếng kêu vì mất phần cỏ tươi xanh khi sống giữa bầy đàn.

Là con người với nhau, hãy cất tiếng kêu đó cho điều xứng đáng nhất, cho nỗi khổ đau nhất mà chung quanh có thể mở lòng chia sẻ. Mất phần cỏ tươi cho riêng mình, chưa bao giờ được coi là điều đáng nhớ trong lịch sử con người. Đó chắc chắn là một nỗi buồn, nhưng chưa bao giờ được xứng gọi là khổ đau giữa cõi nhân sinh vô vọng này.

Tôi xin gửi nơi đây lòng kính trọng với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, một trong những đại thụ của âm nhạc Việt Nam. Ở nơi nào đó với chiếc gậy, run rẩy bước đi, ông vẫn lặng im.

3/2014
(Ảnh: từ internet)

Chiếc giày xin giữ lại

Thật là hi hữu khi thế giới chứng kiến những chiếc giày “ thái độ” được ném về phía trước, nhằm vào hai chính khách của hai cường quốc lớn nhất thế giới.

d1
Cảm giác thật lạ lùng khi giày lại trở thành một phương tiện biểu cảm sau hàng thế kỷ văn minh của loài người.

Mặc dù đích đến của những chiếc giày đó khác nhau nhưng rõ ràng, cách phản ứng của những người “nhận giày” cũng khác nhau.

Ông Bush, tổng thống Hoa Kỳ đã cười còn ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Hoa thì lại giận dữ ra mặt.

Điều này cũng nhanh chóng cho thấy thái độ chấp nhận điều mình đã làm ra trên một tinh thần dân chủ và tính cách thượng tôn mang tính cách triều đình, không chấp nhận nổi những sự khác biệt.

Chiếc giày được ném đi

Việt Nam là quốc gia đã từng có những cuộc chiến với nước Mỹ và Trung Quốc. Những kỷ niệm về các cuộc chiến đó còn khốc liệt và bi thảm hơn bất kỳ ai trong quốc gia của những người từng ném giày.

Tôi tự hỏi sẽ có bao nhiêu người trong đất nước tôi sẽ chọn ném giày vào chính phủ Mỹ hay chọn ném giày vào chính quyền Trung Quốc?

Tháng 11 năm 2000, khi ông Clinton cùng vợ và con gái đến thăm Việt Nam đã được hàng hàng người dân, kể cả những cựu binh quân đội chào đón và chờ được bắt tay.

Ông Clinton có lẽ cũng là lãnh tụ duy nhất của một quốc gia từng có ân oán với Việt Nam không lo sợ chuyện mình sẽ bị ném giày. Trong khi đó, dù được ca ngợi với tình hữu nghị lâu bền, nhưng chưa có một lãnh tụ nào của Trung Quốc được người Việt Nam chào đón như vậy.

Ở một phía khác được bộc lộ rất rõ trong các vụ biểu tình chống Bắc Kinh xâm lược đảo và đất Việt Nam vào tháng 12 năm 2007, đến mức Nhà nước Việt Nam phải huy động các lực lượng trấn áp hùng hậu để làm yên lòng chính quyền Trung Quốc.

Người Việt Nam không có thói quen ném giày, nên người ta phản ứng bằng cách ném các khẩu hiệu về phía các Tòa Tổng lãnh sự và Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam và mọi nơi trên thế giới với những hàng chữ bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hoa, đại loại như “đồ xâm lược”.

Ném giày vào ai?

Trong một bài viết của tác giả Quách Tường Uy, người Trung Quốc đang du học tại London, có viết rằng thế hệ của cô được người lớn dạy rằng Việt Nam là bọn xấu và hết sức vô ơn, tàn nhẫn.

Trong ký ức của tôi thì người Việt Nam lại luôn thấy những người Hoa là những người chân chất và hiền lành, dễ làm bạn.

Trong lời dạy của người lớn mà trẻ con miền Nam học được, những người Hoa này là những người yêu nước lưu lạc và mong chờ một ngày đất nước có thể phản Thanh phục Minh thành công mà quay về cố hương.

Từ tinh thần yêu nước cảm động này khiến tôi có rất nhiều bạn người Hoa ở tuổi học trò.

Với tôi và nhiều người khác, kể cả những người đã từng xuống đường vào ngày 9 tháng 12 năm 2007 để phản đối Trung Quốc xâm lược đảo và đất Việt Nam, không có người Trung Hoa xấu, mà chỉ có chính xác chính quyền Cộng sản Trung Quốc là rất xấu.

Không chỉ xấu với đất nước Việt Nam của chúng tôi, mà xấu với cả thế giới bằng cả chiều dài lịch sử hành động và ngụy biện của họ.

Thật là khó giải thích vì sao máu của những người dân Trung Hoa và thanh niên Việt Nam phải đổ xuống dọc đường biên giới hai nước trong cuộc chiến năm 1979. Điều làm rất nhiều người bạn Việt và Hoa tại Chợ Lớn, Saigon, chỉ mới buổi sáng uống ly cafe và tán gẫu vui vẻ với nhau, buổi chiều đã nhìn nhau ngại ngần im lặng.

Tác giả Quách Tường Uy (người TQ, ý kiến trên BBC) có viết rằng thế hệ trẻ của cả hai nước đã dần quên đi cuộc chiến 1979 và không mang nặng mặc cảm về nó. Nhưng đó có lẽ là cảm giác riêng của thanh niên Trung Quốc.

Chiếc giày xin được giữ lại

Lý do của ý thức chống chính quyền Trung Quốc, là bởi người Việt Nam không bao giờ có thể an tâm với sự kiêu ngạo và tính bá quyền của những lãnh tụ như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình... vẫn được nối dài đến thời kỳ của Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo... và có thể sẽ còn nối dài nữa trong tinh thần Đại Trung Hoa.

Nhắc lại chuyện chiếc giày, khi còn nhỏ, tôi được đưa đi xem triển lãm tội ác của “Bọn bành trướng Bắc Kinh” từ cuộc chiến 1979.

Một trong những ký ức đau đớn nhất mà tôi còn nhớ, đó là một chiếc giày lính bằng vải dính máu của một chiến binh Việt Nam nào đó đã chết. Có thể đó là một công nhân ở Hải Phòng hay một người nông dân nào đó ở Cần Thơ.

Khi Việt Nam tái lập tình hữu nghị với Nhà nước Trung Quốc, một phần lịch sử trên đã biến mất để không làm “tổn thương tình hữu nghị của hai quốc gia”.

Tôi cũng không còn thấy chiếc giày đó nữa, cũng như không được biết rõ đất nước tôi đã mất hay giữ được bao nhiêu đất đai của tổ tiên sau cuộc chiến đó.

Nếu tôi được hỏi là sẽ chọn ném giày vào ai trong mối quan hệ Việt - Mỹ - Trung Quốc này, có lẽ tôi sẽ chọn xin và giữ lại chiếc giày đó - chính chiếc giày đẫm máu của tuổi thanh niên Việt Nam và đặt vào một không gian trân trọng nhất của Tổ quốc tôi hôm nay.

Thế hệ chúng tôi cũng như những người Hoa mà chúng tôi đã được biết, đã sống chung trên đất nước tôi không muốn thù hận nhưng thật lòng không bao giờ có thể lãng quên.

Bài viết gửi BBC (tháng 2/2009)
(Ảnh-edited: từ internet)